Người dân Việt Nam thường làm gì trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán.

Cúng giao thừa

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ và đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Cúng giao thừa gồm có cúng ngoài trời và cúng trong nhà.

Cúng giao thừa
  • Cúng ngoài trời

Người xưa quan niệm rằng mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.

Các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ. Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đây không trung tấp nập, vội vã, thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn cấp nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà... Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.

  • Cúng trong nhà

là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới nhằm để cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình gặp những điều tốt lành trong năm mới. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến thơm ngon và bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Đây là mâm cơm con cháu chuẩn bị để mời ông bà Tổ tiên về ăn Tết, trong mâm cơm có các món ăn tùy sự chuẩn bị của gia đình. Cỗ mặn thường có bánh chưng, giò, chả, xôi gấc, thịt gà, rượu bia và các loại bánh kẹo khác. Cũng có gia đình chuẩn bị cỗ ngọt hoặc cỗ chay để cúng gia tiên.

Xông đất

Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm, lúc mọi thứ đều được bắt đầu, mới mẻ tinh khôi. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa lúc 12 giờ đêm cuối năm, người khách đầu tiên đến thăm gia chủ trong năm mới là người “xông đất”, là sứ giả do sự may mắn đưa đến. Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến hậu vận của cả nhà trong năm mới.

Do đó, mọi người đã cân nhắc kỹ về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, cũng như về tính tình, hạn vận khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm là hệ trọng hơn cả. Chính vì nghĩ đến ảnh hưởng của việc xông đất đến việc làm ăn cho cả năm, nên các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến đầu tiên trong ngày Nguyên Đán để long trọng mang lại giúp họ sự tốt lành suốt năm mới.

Xông đất 

Chúc Tết và mừng tuổi

Sáng mồng một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người thêm một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).

Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất và lấy may từ những ngày đầu năm mới. Lì xì bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày tết. Bao lì xì thường có màu đỏ, với người Châu Á màu đỏ là một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc - người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc…

Chúc Tết và mừng tuổi

Mua muối và mía đêm giao thừa

Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là tục lệ truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Thường người dân sau khi đi chơi đêm Giao thừa sẽ mua một túi muối về nhà.

Muối mặn có ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đuổi xui xẻo và đem lại may mắn cho người dân khi khởi đầu một năm mới. Muối cũng có ý nghĩa trong văn hóa của gia đình Việt, biểu trưng cho sự đậm đà, tình sâu nghĩa nặng trong các mối quan hệ của gia đình, vợ chồng thuận hòa gắn kết, con cái khỏe mạnh.

Muối được cho vào những túi trang trí đẹp, bán muối đêm giao thừa giúp người dân có thu nhập rất tốt

Mua muối và mía đêm giao thừa

Theo sự lý giải của các nhà sử học, mua muối đầu năm là mua sự mặn mà về cho cả năm với mong muốn thuận lợi và bình an.

Ngoài muối, mía cũng là thứ được người dân mua về ngay sau đêm giao thừa.

Những cây mía lộc được nhiều người lựa chọn bởi quan niệm mua vài cây mía ngọt đầu năm dựng bên ban thờ gia tiên sẽ mang đến cho gia đình nhiều tài lộc. Thường mỗi gia đình mua 2 cây mía lộc dựng hai bên ban thờ.

Tin tức liên quan

Đăng ký email

Đăng ký Email để nhận được các thông tin mới nhất và chương trình khuyến mãi đặc biệt của đồ gỗ mỹ nghệ Ngọc Văn

Đăng ký email