Tin Tức
Đồ gỗ nội thất Ngọc Văn
Những điều cần lưu ý trong ngày cưới mà cô dâu chú rể nên biết
Không được chuẩn bị bàn thờ gia tiên quá sơ sài
Bài thờ gia tiên là điều quan trọng nhất mà mỗi gia đình phải chú ý đến. Bởi, tới giờ đón dâu, cô dâu chú rể sẽ cùng bố mẹ hai bên thắp hương trên bàn thờ báo cáo với tổ tiên.
Điều quan trọng là phải bao sái (lau dọn) sạch sẽ ban thờ, bày biện những vật phẩm đẹp mắt, đầy đủ mâm cỗ cúng gia tiên, các vật phẩm tối thiểu như gà luộc, xôi, rượu, hoa quả, vàng mã... Hôn lễ sẽ được cử hành tại bàn thờ tổ tiên.
Vali đồ cô dâu gồm có những gì?
Thông thường đồ đạc của cô dâu sẽ được chuyển đến tổ ấm mới vào trước hoặc sau lễ cưới, vì vậy chiếc vali mang theo cô dâu trong ngày này thường là để tượng trưng.
Bên trong vali nên có những vật dụng trợ giúp để cô dâu sử dụng những lúc thật cần thiết trong ngày cưới hoặc cũng có thể là những vật dụng để sử dụng trong ngày đầu tiên về tổ ấm mới.
Những vật dụng cơ bản thường bao gồm: đồ dùng cá nhân của cô dâu như điện thoại, khăn tay, mỹ phẩm, đồ lót, một đôi giầy thay thế (nếu cần thiết) hoặc một vài bộ quần áo của cô dâu… Một điều nữa là trong ngày cưới, bạn có thể nhờ chị em gái, phù dâu hoặc bạn bè thân mang theo cùng mình khi đưa dâu về nhà chồng.
Có những địa phương kiêng kị, chọn một cô gái chưa chồng cầm vali và không được đặt xuống đất cho tới khi về đến nhà chồng. Bạn nên hỏi bố mẹ rõ ràng trước lễ cưới để tránh sai sót.
Trong buổi lễ cô dâu đứng bên nào, chú rể đứng bên nào?
Nếu bạn theo đạo và làm lễ trong nhà thờ, khi đứng trước bàn thờ làm lễ cô dâu sẽ đứng bên trái còn chú rể đứng bên phải. Còn nếu bạn tổ chức buổi lễ tại nhà riêng hoặc tại hội trường thì điều này không quá quan trọng, tuy nhiên thông thường cô dâu luôn đứng ở phía bên trái của chú rể.
Phải rải kim và tiền lẻ, gạo muối, cau trầu dọc đường
Khi đón dâu đi qua các cây cầu, ngã 3, ngã tư, ngã 5, ngã 7 cô dâu phải vứt gạo muối, kim, tiền lẻ, cau trầu xuống với mong muốn đoạn đường sắp tới của đôi uyên ương sẽ luôn suôn sẻ, giàu sang, hạnh phúc và may mắn.
Chú rể cần chú ý để nhẫn luôn ở trong túi trước giờ tổ chức hôn lễ
Tình huống này đã từng xảy ra với một vài chú rể. Trong ngày vui, vì quá hào hứng, nhiều chú rể quên béng mất việc cần phải cho chiếc hộp đựng nhẫn cưới vào túi.
Và rồi, vào thời khắc quan trọng nhất, chú rể sờ đến túi và… không thấy nhẫn đâu. Hãy chắc chắn rằng nhẫn cưới đã sẵn sàng trong người bạn. Trước khi tiệc hôn lễ bắt đầu, hãy kiểm tra một lần nữa.
Chú rể cần chuẩn bị một chiếc khăn tay
Thông thường, vào ngày cưới, cô dâu sẽ khóc khi phải rời xa cha mẹ. Vì vậy, hãy chuẩn bị tốt cho tình huống này. Chú rể nên có một chiếc khăn tay trong túi và ngay lập tức lau những giọt nước mắt trên mi vợ mình để giúp cô ấy nguôi đi sự cảm động. Thêm vào đó, hành động ấy cũng sẽ giúp cô dâu tránh bị nhòe nhoẹt phấn son… Đồng thời nó cũng khiến nhiều người phải xuýt xoa về sự chu đáo của bạn.
Chào đón khách mời
Sau những nghi lễ truyền thống của lễ cưới, bạn có thể thấy bối rối và không biết làm sao để chào hỏi tất cả khách mời cho chu đáo. Việc này không quá phức tạp như bạn nghĩ, chú rể hãy cùng cô dâu mới đi từng bàn chào hỏi khách mời.
Đừng quên tới bàn các bậc cao lão trước, các ông các bà, họ hàng nội ngoại rồi mới tới bàn bạn bè của hai bên.
Chỉ cần vui vẻ nhận lời chúc mừng của mọi người, cảm ơn và hỏi thăm đơn giản hoặc nhận chén rượu mừng trong tiệc cưới rồi xin phép qua các bàn khác. Hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian để ăn một chút và không uống quá nhiều rượu mừng trong ngày vui.
Nếu trong tiệc cưới của bạn có phần lễ trên sân khấu, mời cô dâu chú rể phát biểu, hãy tận dụng thời gian gửi lời cảm ơn tới tất cả khách mời và đặc biệt là những người thân đã giúp bạn tổ chức tiệc cưới.