Ý nghĩa của đại tự " Ẩm Hà Tư Nguyên"

Ẩm hà là gì? Có thể giảng ẩm hà là uống nước sông hay uống nước ở dòng sông. Có nhiều thành ngữ cổ điển có cụm từ ẩm hà. Ví dụ như một,  Ẩm hà mãn phúc   滿  (Uống nước sông chỉ tổ đầy bụng. Phải biết tri túc, quá tham vô ích cho mình), hai, Ẩm hà yển thử   (Chuột đồng uống nước sông. Chỉ người có nhu cầu/ sở đắc rất hạn hẹp). Thường thường loài vật như voi, ngựa, nai, hươu,… thậm chí cả chuột hay uống nước sông. Con người cũng có thể uống nước sông khi khát nước lỡ đường, ghé ven sông bụm nước mà uống. Ngoài ra, để sử dụng nước sông, chúng ta gánh nước về, đội về, đun sôi rồi uống. Lúc đó, chúng ta không thể gọi là ẩm hà được nữa mà rõ ràng là ẩm thủy. Đối với xã hội con người, cụm từ ẩm hà có phạm vi sử dụng hẹp vì nước mưa, nước giếng, nước khe,…đều được chúng ta uống cả.

Ẩm thủy thì nghĩa nó rõ ràng hơn, là uống nước. Nước có thể là nước sông, nước khe, nước suối, nước giếng và cả nước mưa. Vậy, từ ẩm thủy bao quát một nội dung phong phú hơn, tổng quát hơn. Có ai đó ẩm khê (uống nước khe), ẩm tuyền (uống nước suối) thì cũng nằm trong vòng ẩm thủy. Khái quát được một phạm trù rộng như vậy khiến câu thành ngữ không phiến diện và có ý nghĩa thâm sâu. Nước giếng cũng có nguồn là các mạch nước ngầm, nước mưa từ nguồn trời rơi xuống, chúng ta cần nhớ đến, bảo vệ, giữ gìn để cho mạch nước ngầm, bầu trời không ô nhiễm hay cạn kiệt chứ. Vậy, thoạt tiên từ ẩm thủy đã bao trùm từ ẩm hà về mặt nội dung.

Xét về gốc gác trong thư tịch thì các Hán Việt từ điển xuất bản sau này (sau 1975) đều có câu Ẩm hà tư nguyên. Có lẽ các nhà làm tự điển đã dựa vào các hoành phi, bài báo, hay một cuốn sách đâu đó. Có một cứ liệu xác đáng là cuốn Tầm nguyên từ điển của cụ Bửu Kế có ghi câu Ẩm hà tư nguyên này. Cuốn từ điển này xuất bản lần đầu năm 1955, rồi tái bản năm 1968 ở miền Nam. Không rõ cụ Bửu Kế tuyển lục nó từ đâu. Ngược lại, cuốn Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh soạn trước đó (1931, theo lời đề từ của Hãn Mạn Tử, tức cụ Phan Bội Châu) thì lại không có. Một điều quan trọng hơn là các từ điển lớn của Trung Hoa như Khang Hi, Từ Nguyên,… đều không có câu Ẩm hà tư nguyên này mà chỉ có câu Ẩm thủy tư nguyên.

Nguồn gốc của một thành ngữ Hán Việt đều từ sách sử Trung Hoa. Chuyện vay mượn như thế là việc tốt đẹp và bình thường đối với mọi ngôn ngữ. Có người nghịch đời lại bảo chính vì dịch vẹt từng chữ nên từ câu Uống nước nhớ nguồn của ta sinh ra câu Ẩm thủy tư nguyên của Trung Hoa.Nói thế là chưa chịu tra cứu cho đến nơi đến chôn. Kỳ thật, lý do xuất hiện một số câu lạ lùng như trên là do tam sao thất bổn, hoặc do nhà Nho ta sáng tạo. Nhược điểm của các câu này là không thâm sâu, không bao quát được phạm trù lớn. Ví dụ như câu Trà tam tửu tứ (Trà nên uống ba người, rượu bốn người) hay câu Nhất tự vi sư(Dạy một chữ cũng là thầy). Nghĩ cho kỹ thì thấy những câu loại này ý nghĩa không thuyết phục.

Trong trường hợp đang bàn luận, chúng tôi cho rằng nên dùng câu Ẩm thủy tư nguyên. Ý nghĩa của nó bao quát, sâu sắc và phổ biến hơn nhiều.

 

Tin tức liên quan

Đăng ký email

Đăng ký Email để nhận được các thông tin mới nhất và chương trình khuyến mãi đặc biệt của đồ gỗ mỹ nghệ Ngọc Văn

Đăng ký email